Talent & Education

Thu hẹp khoảng cách: thúc đẩy nghề nghiệp và nền kinh tế ở Việt Nam

October 23, 2023

Global

Thu hẹp khoảng cách: thúc đẩy nghề nghiệp và nền kinh tế ở Việt Nam

October 23, 2023

Global
Ritu Bhandari

Manager

Ritu Bhandari is a Manager with the Policy & Insights team at Economist Impact. She has over six years of experience working in a wide range of public policy topics including education, technology and sustainability. At Economist Impact, she manages research programs for private-sector, governments and NGO clients in Asia, covering topics like food security, climate & sustainability, and globalisation and trade. She holds a Master’s degree in Public Policy from Lee Kuan Yew School of Public Policy, National University of Singapore, where she specialised in economic policy analysis.

Economist Impact, với sự hỗ trợ của Google, đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 1.375 người lao động ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APAC), trong đó có 100 người ở Việt Nam, từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 1 năm 2023. Chúng tôi cũng phỏng vấn các nhà tuyển dụng và chuyên gia trong ngành trên khắp khu vực để hiểu rõ quan điểm của họ về khoảng cách kỹ năng cũng như nguyện vọng đào tạo lại và nâng cao kỹ năng.

Những người trả lời khảo sát được lựa chọn ở 14 thị trường trong khu vực, trong đó 11,8% là Thế hệ Z (sinh năm 1997-2012), 63,2% là Thế hệ Millennial (1981-1996) và 25% là Thế hệ X (1965-1980). Tất cả họ đều làm việc trong nhiều ngành khác nhau.

Nghiên cứu cho thấy, ở khu vực này, người sử dụng lao động và người lao động chưa có nhận thức chung về các kỹ năng trong tương lai cũng như cách tốt nhất để phát triển các kỹ năng đó. Trong một số trường hợp, cũng có sự khác biệt về kỳ vọng giữa điều mà người sử dụng lao động mong muốn và điều mà người lao động coi là quan trọng. Nắm bắt được những khác biệt này sẽ là cơ sở quan trọng để tạo ra lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế trong tương lai.

Bài viết này – trong khuôn khổ của loạt 13 báo cáo thị trường – xem xét những vấn đề này ở Việt Nam. Loạt báo cáo này bổ sung cho một nghiên cứu đánh giá nhu cầu đào tạo lại và nâng cao kỹ năng trên toàn khu vực APAC.

 

Những phát hiện chính

  • Kỹ năng phân tích (62%) và kỹ năng kỹ thuật số (52%) là hai kỹ năng hàng đầu được người lao động tại Việt Nam ưu tiên. Về kỹ năng kỹ thuật số, cả kỹ năng cơ bản và kỹ năng nâng cao đều được đánh giá cao. Một số kỹ năng nâng cao như thiết kế trải nghiệm người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy, điện toán đám mây và Internet vạn vật cũng như an ninh mạng được đánh giá cao hơn mức trung bình ở khu vực APAC.
  • Mức lương tốt hơn và lợi thế thương lượng là động lực chính của gần 80% người lao động để nâng cao kỹ năng. Tuy nhiên, người lao động gặp phải nhiều rào cản khác nhau. 70% đồng ý rằng nhìn chung họ chưa hiểu rõ về những kỹ năng cần có hiện nay. Các rào cản khác trong việc tiếp thu các kỹ năng kỹ thuật số mới bao gồm không có đủ thời gian để học các khóa học mới (34%), chi phí khóa học cao (29%) và đường truyền Internet không đáp ứng được các khóa học trực tuyến (28%).
  • Phần lớn người lao động ở Việt Nam coi người sử dụng lao động là bên chịu trách nhiệm hỗ trợ nâng cao kỹ năng cho họ. Những lĩnh vực này bao gồm chia sẻ thông tin về các kỹ năng cần thiết (60%), hỗ trợ tài chính để tham gia đào tạo kỹ năng và lấy chứng nhận kỹ năng quan trọng, như các chứng chỉ (58% mỗi loại). Trong khi đó, 43% người lao động cho rằng chính phủ có thể dẫn đầu trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận các chương trình đào tạo kỹ năng đa dạng.
  • Tuyển dụng dựa trên kỹ năng đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam. 80% người lao động đồng ý rằng người sử dụng lao động đang chuyển trọng tâm tuyển dụng từ bằng cấp toàn thời gian sang bằng cấp dựa trên kỹ năng.

 

Các nền kinh tế Châu Á mới nổi như Việt Nam từng được coi là những trường hợp thành công về kinh tế trong thập kỷ qua. Tuy nhiên hiện nay, các nền kinh tế này đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế do nhiều trở ngại, trong đó có cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina cũng như tình hình tăng trưởng kinh tế chậm chạp trên toàn cầu. Nhu cầu toàn cầu suy yếu, kéo theo đó là suy thoái trong nước1 đã khiến các công ty sản xuất và trung tâm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, do sự tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các lĩnh vực này.2

Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi trong những năm tới. Nhờ có lực lượng lao động tương đối trẻ hơn so với các quốc gia Châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế về nhân khẩu học. Ngoài ra, với tư cách là thành thành viên của hơn mười hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận nhiều thị trường quốc gia trên toàn cầu. Gần đây, Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ về các lĩnh vực: tính bền vững, đổi mới và phát triển kỹ năng. Động thái này dự kiến sẽ tạo ra việc làm mới và thúc đẩy việc nâng cao kỹ năng.3

Trong thập kỷ tới, Việt Nam hướng tới trở thành một quốc gia có thu nhập cao thông qua việc ưu tiên phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và trở thành một xã hội kỹ thuật số hoàn toàn vào năm 2030.4 Cụ thể, Việt Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các dịch vụ trực tuyến, giáo dục kỹ thuật số và thanh toán điện tử, cùng các lĩnh vực khác.5 Một yếu tố chủ đạo để đạt được những mục tiêu tham vọng này là xác định và thu hẹp khoảng cách kỹ năng bằng cách trang bị cho lực lượng lao động những năng lực phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam.

 

Người lao động Việt Nam đánh giá cao kỹ năng phân tích và kỹ năng kỹ thuật số

Kỹ năng phân tích, bao gồm các khả năng như quản lý dự án, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, được người lao động Việt Nam coi là quan trọng nhất (62%), cao hơn mức trung bình của khu vực (49%). Giáo sư HoàngHữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng phân tích đối với các lập trình viên. Theo ông, “Kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy thuật toán thậm chí còn trở nên quan trọng hơn. Kể cả khi AI có thể giúp lập trình nhưng các lập trình viên cần có các kỹ năng phân tích để tiếp cận vấn đề, phân tích vấn đề và thiết kế nội dung lập trình”.

 

Hình 1: Kỹ năng phân tích và kỹ năng kỹ thuật số được lực lượng lao động Việt Nam đánh giá là quan trọng nhất

Theo bạn, những loại kỹ năng nào là quan trọng nhất mà lực lượng lao động trong ngành của bạn cần phải có hiện nay? (% số người trả lời)

Nguồn: Economist Impact, 2023

Kỹ năng kỹ thuật số được hơn một nửa (52%) người lao động Việt Nam đánh giá cao. Trong danh mục rộng lớn này, họ coi một số kỹ năng nâng cao nhất định như thiết kế trải nghiệm người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy, điện toán đám mây và Internet vạn vật (IoT) cũng như an ninh mạng là những kỹ năng phải có, cao hơn mức trung bình của khu vực APAC (Hình 2).   Mặc dù tầm quan trọng của những kỹ năng nâng cao ngày càng tăng, nhưng vẫn có sự thiếu hụt lớn về các kỹ năng này, chẳng hạn như AI. Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, trong khi chính phủ Việt Nam đang đầu tư mạnh vào AI và công nghệ số, quốc gia này lại phải đối mặt với tình trạng thiếu kỹ năng vì chỉ có 300 chuyên gia AI trong lực lượng lao động.6 Để tăng số lượng chuyên gia đó, ông Hạnh cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế lại chương trình học cho phù hợp với nhu cầu của từng ngành. Ông nói thêm: “Các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo cần tập trung vào việc phát triển nội dung có tính tương tác, có trọng tâm và có thể học được trong một khoảng thời gian ngắn”.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực áp dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là đám mây. Theo một cuộc khảo sát năm 2022, đa số doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm đáng kể đến việc xây dựng chiến lược di chuyển lên đám mây.7 Tuy nhiên, quá trình số hóa nhanh chóng và áp dụng các công nghệ mới đã khiến Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro an ninh mạng ngày càng cao. Việt Nam hứng chịu hơn 15.000 vụ tấn công mạng trong năm 2022, cao thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.8 Khi số lượng và mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công này tăng lên, các tổ chức sẽ cần có các biện pháp bảo vệ an ninh mạng vững chắc. Tuy nhiên, theo Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam, vẫn có sự thiếu hụt đáng kể trong khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại về chuyên gia an ninh mạng. Điều này dẫn đến tình trạng 76% tổ chức cho biết họ bị thiếu nhân sự để bảo vệ tổ chức của mình trước các mối đe doạ mạng.9

 

Hình 2: Những kỹ năng kỹ thuật số nâng cao mà người lao động ở Việt Nam và APAC cần phải có

Ngày nay, lực lượng lao động trong lĩnh vực của bạn cần phải có những loại kỹ năng kỹ thuật số nâng cao cụ thể nào? (% số người trả lời đã chọn “phải có”)

Nguồn: Economist Impact, 2023

Ngoài kỹ năng phân tích và kỹ năng kỹ thuật số, người lao động Việt Nam còn coi trọng các kỹ năng mềm như khả năng đọc viết tiếng Anh (64,4%). Thông thạo tiếng Anh là điều kiện tiên quyết cho nhiều dịch vụ công ở Việt Nam. Một số ngành như khách sạn và du lịch nhấn mạnh đến khả năng đọc và viết tiếng Anh trôi chảy, coi đây là kỹ năng quan trọng.

Trong những năm tới, việc Việt Nam tập trung vào tính bền vững và tiến bộ tương đối trong khu vực đồng nghĩa với việc các kỹ năng “xanh” sẽ ngày càng quan trọng. Đơn cử như việc Việt Nam là quốc gia đi đầu ở Đông Nam Á trong việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Từ năm 2017 đến năm 2021, điện năng từ năng lượng mặt trời đã tăng từ gần như bằng 0 lên gần 11%, là tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới.10 Kết quả khảo sát của chúng tôi xác nhận tiến bộ này vì người lao động Việt Nam đánh giá cao các kỹ năng “xanh”11 (26%) cao hơn mức trung bình của khu vực (18%).

 

Quỹ thời gian thiếu hụt cản trở việc nâng cao kỹ năng của người lao động

Người lao động Việt Nam có nhiều động lực để nâng cao kỹ năng. Gần 8 trên 10 (79%) người lao động đồng ý rằng việc nâng cao kỹ năng hoặc đào tạo lại kỹ năng đã giúp nâng cao mức lương và lợi thế thương lượng của họ. Khi xem xét các bộ kỹ năng cụ thể, khoảng 3 trên 10 người (27%) cho rằng kỹ năng phân tích là quan trọng đối với sự phát triển nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, người lao động thường gặp phải thách thức trong hành trình nâng cao kỹ năng của mình. Về cơ bản, 70% đồng ý rằng họ chưa hiểu biết nhiều về các kỹ năng được yêu cầu. Việc không hiểu rõ về các kỹ năng quan trọng có thể cản trở sự tiến bộ của người lao động trong hành trình nâng cao kỹ năng của họ.

Một rào cản hàng đầu khác mà người lao động nêu ra ở tất cả các bộ kỹ năng là không có đủ thời gian để học các khóa học mới. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính, năm 2022, gần ba trên mười (27%) người trong lực lượng lao động của Việt Nam đã phải làm việc quá mức.12,13 Ngay cả khi người lao động có thời gian rảnh rỗi, cũng không có đủ các khóa học phù hợp, dễ tiếp cận với chi phí phải chăng, đây cũng là một vấn đề được ông Hạnh nhấn mạnh. Ông nhận xét: “Không có sẵn các tài liệu học tập kỹ thuật số để người lao động học mọi lúc, mọi nơi”. Người lao động trong khảo sát của chúng tôi cũng cho rằng chi phí khóa học cao (29%) và đường truyền Internet không đáp ứng được các khóa học trực tuyến (28%) là hai trong ba rào cản hàng đầu trong việc học các kỹ năng kỹ thuật số mới.  Trước đó trong năm nay, Việt Nam đã gặp phải tình trạng tốc độ Internet không ổn định do nhiều tuyến cáp ngầm dưới biển bị gián đoạn.14

 

Hình 3: Những thách thức lớn trong việc tiếp thu các kỹ năng kỹ thuật số mới

Một số trở ngại đáng kể nhất mà bạn gặp phải khi học các kỹ năng kỹ thuật số mới là gì? (% số người trả lời)

Nguồn: Economist Impact, 2023

 

Người lao động chủ yếu chờ đợi người sử dụng lao động hỗ trợ nâng cao kỹ năng

Người lao động trong khảo sát của chúng tôi coi người sử dụng lao động là bên có vai trò chính trong việc hỗ trợ họ nâng cao kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng.  Hầu hết người lao động trong khảo sát của chúng tôi (60%) đều dựa vào người sử dụng lao động của họ để hiểu rõ hơn về các kỹ năng và vai trò công việc khác nhau. Khoảng sáu trên mười (58%) người lao động cũng xác định người sử dụng lao động là nguồn chính cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc đào tạo kỹ năng và lấy chứng nhận kỹ năng quan trọng, chẳng hạn như các chứng chỉ. Hơn nữa, 66% người lao động đồng ý rằng người sử dụng lao động đánh giá cao các chứng chỉ trực tuyến và tin rằng các chứng chỉ đó phản ánh chính xác các kỹ năng đã học được. Ông Hạnh nhấn mạnh một vai trò nổi bật khác của người sử dụng lao động là cung cấp kinh nghiệm thực tế cho người lao động: “Việc người lao động áp dụng các kỹ năng đã học được vào công việc là rất quan trọng”.

 

Hình 4: Người sử dụng lao động có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nâng cao kỹ năng của người lao động

Theo bạn, chính phủ, người sử dụng lao động hay chính bạn chịu trách nhiệm trong việc hỗ trợ người lao động về các vấn đề sau? (% số người trả lời)

Nguồn: Economist Impact, 2023

43% người lao động cho rằng, trong khi người sử dụng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng, chính phủ có thể dẫn đầu trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận các chương trình kỹ năng đa dạng. Để thực hiện được điều này, chính phủ có thể hợp tác với khu vực tư nhân và các trường đại học để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của ngành. Một ví dụ cho điều này là sự hợp tác giữa Tổ chức Di cư Quốc tế với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng kỹ thuật số cho thanh niên Việt Nam, trong đó có lao động nhập cư.15

Khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế có thu nhập cao, người sử dụng lao động và chính phủ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thu hẹp khoảng cách kỹ năng.  Việc tuyển dụng và trả lương dựa trên kỹ năng có thể là động lực để người lao động chủ động nâng cao kỹ năng. Phần lớn người lao động trong khảo sát của chúng tôi (80%) đồng ý rằng người sử dụng lao động đang dần chuyển trọng tâm tuyển dụng từ bằng cấp toàn thời gian sang bằng cấp dựa trên kỹ năng. Ông Hạnh đồng tình và nói, “kỳ vọng về nhóm kỹ năng, đặc biệt là từ thế hệ người lao động mới đang thay đổi nhanh chóng và người sử dụng lao động đang dần thay đổi chiến lược tuyển dụng truyền thống bằng các làn sóng tuyển dụng mới [ví dụ như tuyển dụng dựa trên kỹ năng].”


1 Việt Nam dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng chậm ở mức 4,7% vào năm 2023, so với mức 8% vào năm 2022

11 Kỹ năng “xanh” là các kỹ năng liên quan đến tính bền vững như báo cáo tính bền vững, quản lý kinh doanh bền vững và quản lý chuỗi cung ứng

12 Tỷ lệ người làm việc từ 49 giờ trở lên mỗi tuần

Enjoy in-depth insights and expert analysis - subscribe to our Perspectives newsletter, delivered every week